15 thg 5, 2015

CÂU CHUYỆN VỀ HAI CON SÓI

Hai ông cháu ngồi trên tảng đá bên một dòng suối chảy róc rách dưới ánh mặt trời. Đứa cháu nói:
- Ông ơi, ông kể chuyện cho cháu nghe đi!
- Ừ, người ông nói, để ông kể cho cháu nghe về câu chuyện của hai con chó sói.
Khi chúng ta lớn lên, có đôi khi chúng ta cảm thấy như là có hai con chó sói đang chiến đấu với nhau để giành lấy quyền điều khiển ở bên trong chúng ta. Cháu có thể hình dung con chó sói thứ nhất với bộ lông màu xám mềm mại, có ánh mắt hiền từ và có nụ cười dịu dàng. Chúng ta có thể gọi con chó sói này là chó sói của sự yên bình, của tình thương yêu, và sự tử tế, bởi vì con chó sói này nghĩ rằng, nếu tất cả chúng ta sống hòa bình với nhau thì mọi loài động vật và mọi người sẽ được hạnh phúc hơn nhiều.
Đối với con chó sói này, tình thương yêu là quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Nó biết rằng không có tình thương yêu thì thế giới loài người và loài vật sẽ không thể nào tồn tại. Tất cả chúng ta đều muốn được thương yêu và cuộc sống của chúng ta sẽ được nuôi dưỡng, và được phong phú hơn khi chúng ta thương yêu mọi người và được mọi người thương yêu trở lại. Con chó sói ấy cũng dường như biết rằng lòng tốt là một phần của tình thương yêu ấy. Khi chúng ta tử tế với người khác thì họ cũng thường đối xử tử tế với chúng ta.
Nhưng, người ông nói tiếp, hãy hình dung có một con chó sói khác ở trong đàn, và nó không nghĩ giống như vậy. Con chó sói này thật đê tiện và có vẻ mặt kinh tởm. Nó co rút hai cái môi của nó lại những lúc nó nhe hàm răng của nó ra để hăm dọa những con vật khác. Những lúc nó làm như vậy thì thường những con vật khác cảm thấy sợ hơn là thương yêu và tôn trọng nó, bởi vì đây là con chó sói của sự lo sợ, tham lam, và căm ghét. Có lẽ nó bị đe dọa và e sợ, vì thế nó luôn phòng vệ. Con chó sói này chỉ biết nghĩ cho nó mà thôi. Ngược lại, con chó sói của sự yên bình, lòng thương yêu và tử tế thì quan tâm đến hạnh phúc, và sự lành mạnh của những con sói khác cũng như của chính nó.
Chúng ta hãy tiếp tục hình dung, người ông nói, hai con chó sói như thế đang chiến đấu với nhau ở trong TÂM chúng ta.
Đứa bé ngước nhìn ông với đôi mắt mở to:
- Thế thì con nào sẽ thắng, thưa ông? Cậu bé sốt sắng hỏi.
Người ông nhìn xuống với đôi mắt hiền từ, giọng nói nhỏ nhẹ rồi trả lời:
- Con nào mà cháu cho nó ăn thì con đó sẽ thắng.
Bản tính "THIỆN", "ÁC" đều do TÂM con người mà ra. Hãy nuôi dưỡng trong TÂM của mình một CON SÓI HIỀN, chúng ta sẽ sống một cuộc đời HẠNH PHÚC, AN BÌNH, VÀ VUI VẺ.

BA VỊ KHÁCH ĐẶC BIỆT

Vừa bước ra cửa, một người phụ nữ đã nhìn thấy ba người đàn ông già nua với bộ râu dài, bạc phơ đang ngồi trước sân nhà mình. Bà ấy không biết họ. Bà nói: "Tôi không biết các ông là ai, nhưng các ông có lẽ đói lắm. Xin vui lòng vào trong này và ăn chút gì đó!"
Ba người đàn ông hỏi: "Người đàn ông của ngôi nhà này có ở nhà không?"
"Không, chồng tôi vừa đi ra ngoài", bà trả lời.
Họ trả lời: "Vậy thì chúng tôi không thể vào nhà"
Buổi tối ấy, khi chồng về nhà, bà liền thuật lại cho chồng nghe những gì đã diễn ra.
Nghe xong, người chồng bảo: "Hãy nói với họ rằng anh đang ở nhà và mời họ vào!"
Người phụ nữ đi ra ngoài và mời những người đàn ông ấy vào nhà.
"Chúng tôi không vào trong nhà cùng với nhau"
"Tại sao vậy?"
Một trong ba người đàn ông ấy giải thích: "Tên ông ấy là Của Cải", nói đoạn ông ta chỉ về một trong số những người bạn của mình, và sau đó chỉ về một người khác và nói: "Ông ấy là Thành Công và tôi là Tình Yêu". Sau đó, ông ta tiếp lời "Bây giờ bà hãy vào trong và trao đổi với chồng mình xem ai trong số chúng tôi là người mà hai vợ chồng cô muốn vào nhà của mình".
Người phụ nữ đi vào nhà và nói lại với chồng mình những gì mà ba người đàn ông ấy đã nói. Người chồng mừng vui khôn xiết. Ông ta thốt lên "Tuyệt vời làm sao! Bởi vì trong trường hợp này, chúng ta hãy mời vị khách Của Cải. Hãy để ông ấy vào đây và làm đầy ắp ngôi nhà của mình với của cải!"
Người vợ không đồng ý: "Ông này, tại sao chúng ta không mời vị khách Thành Công?"
Cô con dâu của họ nãy giờ nghe câu chuyện ở một góc nhà. Cô bước ra và hỏi: "Tại sao chúng ta lại không mời vị khách Tình Yêu? Ngôi nhà của chúng ta sẽ tràn ngập tình yêu!"
Người vợ nói với chồng: "Chúng ta thử nghe theo lời đề nghị của con dâu mình xem sao! Hãy đi ra ngoài và mời vị khách Tình Yêu là khách của chúng ta!"
Người phụ nữ đi ra ngoài và cất tiếng hỏi: "Vị nào là Tình Yêu? Xin vui lòng vào trong này và là khách của chúng tôi"
Vị khách Tình Yêu đứng lên và bắt đầu đi vào nhà. Hai người còn lại cũng đứng lên và đi theo ông ta. Quá đỗi ngạc nhiên, người phụ nữ hỏi Của Cải và Thành Công: "Tôi chỉ mời Tình Yêu. Tại sao hai vị lại cùng đi vào?"
Ba người đàn ông cùng trả lời: "Nếu cô mời Của Cải hay Thành Công, hai người còn lại trong số chúng tôi sẽ đứng ngoài. Nhưng bởi vì cô mời Tình Yêu, bất cứ nơi nào ông ấy đến, chúng tôi sẽ cùng đi với anh ta. Bất cứ nơi nào có Tình Yêu, nơi ấy sẽ có Của Cải và Thành Công!"

1001 CON HẠC GIẤY

Sự hiểu lầm có thể làm cho con người ta mất đi vĩnh viễn một thứ gì đó mà ta rất yêu quý, để rồi, khi nhận ra thì đã quá muộn...
Có một chàng trai đã gấp 1.000 con hạc giấy tặng người anh yêu. Mặc dù lúc đó anh chỉ là một nhân viên quèn trong công ty, tương lai chẳng có vẻ gì sáng lạn nhưng họ vẫn luôn rất hạnh phúc bên nhau.
Rồi cho đến một hôm người yêu của anh nói rằng nàng sẽ đi Paris, sẽ không bao giờ còn có dịp gặp lại anh nữa. Nàng rất lấy làm tiếc về điều này và an ủi chàng rằng rồi nỗi đau của chàng cũng sẽ trở thành dĩ vãng. Hãy để cho nó ngủ yên trong ký ức của mỗi người.
Chàng trai đồng ý nhưng trái tim tan nát. Anh lao vào làm việc quên cả ngày đêm, cuối cùng anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Nó không chỉ giúp anh vươn đến những điều mà trước đây vì thiếu nó mà người yêu đã rời bỏ anh, nó còn giúp anh xua đuổi khỏi tâm trí mình một điều gì đó của những tháng ngày xưa cũ.
Một ngày mưa tầm tã, trong lúc lái xe, chàng trai tình cờ trông thấy một đôi vợ chồng già cùng che chung một chiếc ô đi trên hè phố. Chiếc ô không đủ sức che cho họ giữa trời mưa gió. Chàng trai nhận ngay ra đó là cha mẹ của cô gái ngày xưa. Tình cảm trước đây anh dành cho họ dường như sống lại. Anh chạy xe cạnh đôi vợ chồng già với mong muốn họ nhận ra anh. Anh muốn họ thấy rằng anh bây giờ không còn như xưa, rằng anh bây giờ đã có thể tự mình tạo dựng một công ty riêng, đã có thể ngồi trong một chiếc xe hơi sang trọng. Vâng, chính anh, chính người mà trước đây con gái họ chối từ đã làm được điều đó.
Đôi vợ chồng già cứ lầm lũi bước chậm rãi về phía nghĩa trang. Vội vàng, anh bước ra khỏi xe và đuổi theo họ. Và anh đã gặp lại người yêu xưa của mình, vẫn với nụ cười dịu dàng, đằm thắm nàng từng đem đến cho anh, đang dịu dàng nhìn anh từ bức chân dung trên bia mộ. Cạnh cô là món quà của anh, những con hạc giấy ngày nào. Đến lúc này anh mới biết một sự thật: nàng đã không hề đi Paris. Nàng đã mắc phải căn bệnh ung thư và không thể qua khỏi. Nàng đã luôn tin rằng một ngày nào đó anh sẽ làm được nhiều việc, anh sẽ còn tiến rất xa trên bước đường công danh. Và nàng không muốn là vật cản bước chân anh đến tương lai của mình. Nàng mong ước cha mẹ sẽ đặt những con hạc giấy lên mộ nàng, để một ngày nào đó khi số phận đưa anh đến gặp nàng một lần nữa, anh có thể đem chúng về bầu bạn.
Chàng trai bật khóc.
Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có.
Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại.

CUỘC ĐỜI LÀ SỰ PHẢN CHIẾU CỦA BẠN.

Một cậu bé đang đi bộ cùng người cha trên ngọn núi. Bỗng nhiên, cậu bé bị té, rất đau. Cậu bé thét lên: "Á... á... á!!!"
Nhưng ngay sau đó, cậu bé lại ngạc nhiên khi nghe chính giọng nói của mình lặp lại ở đâu đó trên ngọn núi: "Á... á...á!!!".
Tò mò, cậu bé hét: "Ai đó?", nhưng rồi cậu cũng chỉ nhận được câu trả lời: "Ai đó?". Tức giận với câu trả lời vừa phát ra, cậu bé lại hét lên:"Kẻ nhát gan!" và cậu lại tiếp tục nhận được câu trả lời: "Kẻ nhát gan!"...
Cậu bé nhìn cha mình và hỏi:"Chuyện gì vậy hở cha?".
Người cha mỉm cười và nói:"Con trai, chú ý đây nhé!". Sau đó, người cha hét vang vào ngọn núi: "Ta rất ngưỡng mộ ngươi!".
Giọng nói ấy lại trả lời: "Ta rất ngưỡng mộ ngươi!". Người cha lại hét vang một lần nữa: "Ngươi là người chiến thắng!", giọng nói ấy vẫn tiếp tục trả lời: "Ngươi là người chiến thắng!".
Cậu bé ngạc nhiên, không hiểu gì cả. Người cha ôn tồn giải thích:"Người ta gọi đó là tiếng vang, nhưng thực sự đó là cuộc sống. Nó sẽ trả lại mọi thứ mà chúng ta đã làm hay đã nói. Cuộc sống của chúng ta đơn giản là một sự phản chiếu hành động của chúng ta. Nếu con muốn có nhiều hơn tình yêu trong thế giới này, hãy tạo ra nhiều tình yêu hơn trong trái tim con. Nếu con muốn có nhiều sự cạnh tranh hơn trong đồng đội của con, con hãy cải tiến sự cạnh tranh của con. Mối quan hệ này sẽ trả lời cho mọi thứ, trong tất cả khía cạnh của cuộc sống. Cuộc sống sẽ trả ngược lại những gì mà con đã đem đến cho cuộc sống".
Cuộc đời không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. 
NÓ LÀ SỰ PHẢN CHIẾU HÀNH ĐỘNG & SUY NGHĨ CỦA BẠN.

NGƯỜI ĐƯA Ô & NGƯỜI ĐI CÙNG DƯỚI MƯA

Mỗi người trong cuộc sống đều có HAI người này: Người đưa ô và người đi cùng dưới mưa.
Cả hai người này đều quan trọng với bản thân mỗi chúng ta và khiến ta phải đưa ra những quyết định, sự lựa chọn để có được hạnh phúc.
NGƯỜI ĐƯA Ô: NGƯỜI MÀ TA YÊU NHẤT
Thật vậy, đó là người mà ta yêu nhất. Có thể không phải là tình đầu, cũng chẳng phải là tình cuối, cũng chẳng phải mối tình kéo dài nhiều năm trời hoặc chỉ chút thoáng qua. Đôi khi chỉ là một ánh mắt vô tình chợt gặp, ta tưởng như mình mãi thuộc về người đó.
Gọi người này là người đưa ô vì có thể đối với ta, người này là tất cả. Nhưng với người ấy ta chỉ giống như bến đỗ vô tình ghé vào, rồi lại “vô tình” bước đi. Như bất chợt gặp ta trong cơn mưa, họ chỉ đưa cho ta chiếc ô, như một cốc cà phê trong ngày đông lạnh giá, ấm áp và nóng bỏng trong thoáng chốc, và sẽ nguội lạnh dần…
NGƯỜI ĐI CÙNG DƯỚI MƯA – NGƯỜI MÀ YÊU TA NHẤT
Khác với người đưa ô, họ là người yêu ta nhất, là người mà yêu ta hơn yêu bản thân mình. Là người dang tay hứng hết những giọt mưa, là người giữ cho ta muôn ngàn nỗi lo toan trong cuộc sống. Là người biết rõ ta thích gì, ta cần gì, yêu chiều ta một cách hoàn hảo, không điều kiện. Là người mà đôi lúc ta mong có một phép màu để điều ước “sẽ yêu người ấy” trở thành sự thực. Sự quan tâm, chân thành của người ấy khiến ta không thể dứt bước ra đi. Và chính điều đó khiến trong tâm ta mang trọn một “món nợ”. Ta nợ người ấy rất nhiều…
Ai cũng gặp HAI người đó trong đời. Người may mắn thì sẽ gặp cả hai đến cùng một lúc, trong một con người. Tình yêu bắt ta phải LỰA CHỌN. Nó vô tình biến thành một trò chơi. Người chơi có thể sẽ tìm cho mình một lựa chọn đúng đắn, nhưng rồi có người phải chịu đau đớn bởi sự lựa chọn của chính mình.

MỘT NỬA YÊU THƯƠNG

Có người nói, cuộc sống là một quá trình tìm kiếm tình yêu, mỗi một người đều phải tìm thấy BA người: 
Người thứ nhất là người mình yêu nhất.
Người thứ hai là người yêu mình nhất.
Và người thứ ba là bạn đồng hành với bạn trong suốt cuộc đời.

Trước tiên mình sẽ gặp được người mình yêu nhất, sau đó hiểu được cảm giác yêu. Chỉ có hiểu được cảm giác yêu, mới có thể phát hiện ra người yêu mình nhất. Khi đã trải qua cảm giác yêu và bị yêu, mới có thể biết được mình cần điều gì, và cũng sẽ tìm thấy người thích hợp nhất trong suốt cuộc đời còn lại.
Thật đáng tiếc, trong cuộc sống thực tế hiện tại, cả ba người này thường không cùng một người, người bạn yêu nhất không chọn bạn, người yêu bạn nhất lại không phải người bạn yêu nhất, và người thích hợp không phải là người bạn yêu nhất, cũng không phải là người yêu bạn nhất, chỉ là người xuất hiện vào lúc thích hợp nhất.
Anh sẽ là người thứ mấy trong cuộc sống của tôi? Không ai muốn thay đổi tình yêu của mình. Khi anh ta yêu bạn, đó là lúc anh ta thật sự yêu bạn. Nhưng khi anh ta không yêu bạn thì cũng thật sự là không yêu bạn, anh ta không thể giả vờ không yêu khi anh ta đang yêu bạn, cũng như anh ta không thể giả vờ yêu khi không yêu bạn.
Khi một người không còn yêu mình muốn rời xa mình, mình cần hỏi lại bản thân có còn yêu anh ta nữa không. Nếu bạn không còn yêu người ấy nữa thì xin đừng bao giờ vì lòng tự trọng mà không chịu rời xa người ấy. Nếu như bạn vẫn còn yêu người ấy, lẽ đương nhiên bạn sẽ hy vọng người ấy có được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ, hy vọng người ấy được ở cùng người mình yêu, đừng bao giờ ngăn cản. Nếu bạn ngăn cản người ấy có được hạnh phúc thật sự của mình nghĩa là bạn không còn yêu anh ta nữa.
Yêu không phải là chiếm hữu. Bạn thích mặt trăng, không thể đem mặt trăng cất vào trong hộp, nhưng ánh sáng của mặt trăng lại có thể chiếu sáng vào tận trong phòng bạn. Cũng như bạn yêu một người, bạn vẫn có thể có được người ấy mà không cần chiếm hữu và khiến người yêu trở thành một hồi ức vĩnh hằng trong cuộc sống.
Nếu bạn thật sự yêu một người, phải yêu con người thực của anh ta, yêu mặt tốt cùng yêu cả mặt xấu, yêu cái ưu điểm lẫn khuyết điểm, tuyệt đối không nên vì yêu anh ta mà hy vọng anh ta trở thành con người mình mong muốn, nếu anh ta không được như ý bạn thì mình không còn yêu anh ta nữa.
Yêu một người nào đó thật sự không nói ra được nguyên nhân vì sao yêu, bạn chỉ biết rằng, bất cứ lúc nào, tâm trạng tốt hay xấu thì bạn cũng đều mong muốn người ấy ở bên cạnh bạn, không một yêu cầu... Xa cách cũng là một thử nghiệm tình yêu. Tình yêu chân chính sẽ chẳng bao giờ trở thành tình yêu oán hận.
Bạn đã tìm được NGƯỜI THỨ MẤY cho cuộc đời của bạn?

MÙA THU TRONG THI CA VIỆT NAM

Hằng năm cứ bắt đầu vào thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại bồi hồi nhớ lại kỉ niệm xưa.
Mùa thu là đề tài muôn thuở đối với những nhà văn, nhà thơ hay những nhạc sĩ trong kho tàng văn chương hay âm nhạc Việt Nam. Người ta ca tụng mùa thu, bối cảnh mùa thu được dàn dựng trong những tác phẩm của họ như những không gian lá vàng rơi hay những chia ly buồn bã. Tôi yêu mùa thu từ bản chất, yêu cả những bản nhạc mùa thu.
Trong đầu thập niên 70, người ta không thể quên một bản nhạc tình thu bất hủ của nhạc sĩ Pham Duy, phổ từ thơ của thi hào Guillaume Apollinaire. Bài "Mùa thu chết" đã ray rứt nói lên những thương nhớ khôn nguôi của một mùa thu tàn úa, những ai oán tiếc thương của người tình vẫn mặn nồng chờ đợi sự trở lại của mùa thu yêu đương có nhau …
"... Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho: Mùa thu đã chết rồi
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
Vẫn chờ em, vẫn chờ em, vẫn chờ
Vẫn chờ... đợi em."

Mùa thu với mưa rơi buồn hiu hắt, giọt nước mắt rơi như giọt mưa sầu nhân thế. Ơi, hồn thu đến để gieo bao nỗi buồn như trong bài "Giọt mưa thu" của nhạc sĩ Đặng Thế Phong:
"Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ! ....
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
Chân buông mau, dương thế bao la sầu…"

Xuân Diệu, một trong những nhân vật tiên phong của phái thơ mới, chống lại những khuôn mòn sáo cũ, câu nệ quá đáng vào niêm luật tù túng không tạo cho hồn và ý thơ bay bổng lên đỉnh cao của nghệ thuật. Nếu nói đến thơ tình thì Xuân Diệu được công nhận trải qua thời gian vài thập niên ông vẫn giữ địa vị đặc thù trên thi đàn Việt Nam. Tuy nhiên, về cảm xúc sáng tác từ gợi ý mùa thu, Xuân Diệu cũng tạo nên những thành tích đáng kể qua những thi phẩm như: Nguyệt Cầm, Nhị Hồ, Ý Thu… và "Đây Mùa Thu Tới":
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rửa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò…

Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì?…

Qua đến câu chuyện tình thu buồn của T.T.KH với những tâm sự não nề ẩn chứa một cách xót xa cay đắng trong những bài thơ Hai Sắc Hoa Ty Gôn, Bài Thơ Thứ Nhất, Đan Áo Cho Chồng, Bài Thơ Cuối Cùng… đã hơn một thời gây nhiều xúc động trong giới văn học:
"…Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người…

…Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng?"

Bước vào cái không khí đầy ảo giác mơ hồ, trữ tình của Nguyên Sa. Thơ tình của ông đã thoát khỏi những băn khoăn, siêu hình. Tình yêu hiển lộng thánh hóa trong một phối cảnh thiên nhiên tuyệt vời của mùa thu "Tương Tư" kiều diễm:
"Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Có phải mùa thu sắp sửa về
Hay là gió lạnh lúc đêm khuya
Hay là em chọn sai màu áo
Để nắng thu vàng giữa lối đi?

Có phải rằng tôi chưa được quen
Làm sao buổi sáng đợi chờ em
Hay từng hơi thở là âm nhạc
Đàn xuống cung trầm, mắt nhớ thương

Buổi tối tôi ngồi nghe sao khuya
Đi về bằng những ngón chân thưa
Và nghe em ghé vào giấc mộng
Vành nón nghiêng buồn trong gió đưa

Tôi không biết rằng lạ hay quen
Chỉ biết em mang theo nghê thường
Cho nên cặp mắt mờ hư ảo
Cả bốn chân trời chỉ có em..."

Hằng đêm chúng ta nhìn lên bầu trời lấp lánh hàng muôn triệu vì sao, đâu có biết những thiên hà xinh đẹp thơ mộng đó, xa cách chúng ta hàng chục tỉ năm ánh sáng, có nhiều thiên hà đã mất hút từ lâu, hôm nay chúng ta mới nhìn thấy ánh sáng. Những biến thiên của vũ trụ cũng chỉ là những hiện tượng sắc không, nên thời tiết mùa thu của mỗi năm thường thay đổi. Tuy nhiên, những tác phẩm ca ngợi mùa thu thì vĩnh cửu, vượt thời gian.

TIẾNG ĐÓNG CỬA

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.
Mẹ tôi khuyên: “Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm”.
Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm.
Có người khuyên: “Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu…”
Rồi người ấy nói tiếp: “… Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời, người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.
Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm !”.
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: “Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi”.
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.
Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: “Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn…”
Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.
Mẹ tôi an ủi: “Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được”
Rồi… khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.
Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.
Tôi nói với mẹ: “Mẹ nói đúng thật !”.
Nhưng tôi bỗng bất ngờ … khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.
Mẹ tôi nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn, nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi. ”
Trong tình làng xóm, tôi sắp xếp thời gian đưa tiễn người phụ nữ ấy.
Cậu bé cúi thấp đầu tiến đến gần tôi và nói: “Dì! Nhiều lần cháu làm dì mất ngủ, cháu xin dì tha lỗi”.
Rồi cậu nói trong tiếng nấc : “Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, dì ạ …”
Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra …
Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.
Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời,
Xin bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình, Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, một tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương Tạo hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”.

13 thg 5, 2015

HẸN MỘT MÙA XUÂN

Tình yêu không chỉ là hạnh phúc, đau khổ, tuyệt vọng, đam mê mà còn muôn vàn những mùi vị khác nhau không thể kể hết. Một trong những điều mà tình yêu đem đến cho những người đang yêu đó là SỰ CHỜ ĐỢI.
Mỗi khi nghe nhạc phẩm "TÔI SẼ VỀ", một sáng tác trữ tình của cố nhạc sĩ DUY KHÁNH, lòng tôi bồi hồi trào dâng một cảm xúc thật lạ. 
Tôi sẽ về khi mùa Xuân đơm hoa trước ngõ
Để em gái nhỏ, mắt thơ ngây
Tóc thôi biếng chải,vì đợi chờ
Đêm yên giấc ngủ, cơn mơ dỗ ngọt
Cho môi em đẹp mùa xuân...


Không sinh ra trong thời chinh chiến, thế mà bài tình ca này đã giúp tôi phần nào hình dung được một tình yêu chung thủy, cao đẹp của người lính. Lời ca nồng nàn, lãng mạn, nhẹ nhàng từng cung bậc bổng trầm, tha thiết, quyện cùng tiếng hát ngọt ngào của nam ca sĩ ĐẶNG THẾ LUÂN, tôi như chìm đắm trong một giấc mộng thần tiên, có hoa cỏ mùa xuân, có một người con gái mái tóc buông dài, ngày ngày mong chờ từng lá thư người yêu gửi về hậu phương từ chiến trường cam khổ. Đôi mắt thơ ngây trông về xa xăm, mái tóc đen huyền nhớ người nên biếng chải. Môi nàng thì thầm gọi tên người yêu, mong cơn mơ đến dỗ ngọt trái tim buồn.
Tôi sẽ về thăm lại dòng sông con phố cũ,
Ngày xưa có lần chiến tranh qua,
Những đôi mắt buồn lệ nhạt nhòa,
Xuân không pháo nổ, Xuân không áo màu
Không nụ cười đưa duyên.

Chiến tranh.  Chỉ hai từ thật đơn giản nhưng lại thấm đẫm nước mắt của bao kẻ ly hương xa xứ, bao nỗi đau của ngày giã biệt kẻ ở người đi.  Mẹ già trông con, vợ xa chồng, em nhỏ thương anh, và biết bao cô gái phải cúi mặt khóc thầm khi đưa tiễn người yêu về nơi chiến tuyến.  Dòng sông ngày nao in dấu chân kỉ niệm, Xuân chiến tranh không tiếng pháo reo vui. Màu áo Mẹ vẫn sờn, vợ nhớ chồng không màng tô điểm, nét thanh xuân của người con gái  chờ đợi người thương cũng tàn phai theo năm tháng.  Có còn chăng: một ánh mắt buồn vời vợi, một nụ cười duyên ngày ấy đã xa rồi.
Bao năm chinh chiến, gót mòn nẻo gần xa
Lòng vẫn mơ ngày quê hương nắng đẹp
Trẻ thơ vui tiếng cười
Xuân rộn ràng Xuân về nơi nơi.
Tôi sẽ về đưa người yêu đi qua lối cũ,
Nhặt hoa lót từng bước em đi
Nếu chân có mỏi vì đường dài,
Xin yên giấc ngủ, đêm Xuân gió thoảng,
Ru mộng tròn môi em...

Tôi yêu sự lãng mạn trong lời kết ngọt ngào.  Chiến tranh đau thương nhưng con người vẫn không thôi mơ ước.  Họ mong một ngày nắng đẹp trời quê hương, một mùa Xuân rộn ràng trong chiến thắng, một cuộc đoàn viên rộn tiếng cười trẻ nhỏ, và đó cũng là ngày anh HẸN MỘT MÙA XUÂN.
Lối cũ rêu phong còn in kỉ niệm thuở yêu đầu. Chàng quân nhân nay trở về nhặt hoa trải đường cho người yêu đẹp dạ. Thời gian chờ đợi bao năm có làm cho ai chùn chân gối mỏi, thì nay anh đã về, xin ru em tròn một giấc ngủ bình yên.  

Gió Xuân thoảng đưa mùi hương tình ái, môi em không còn cô đơn vì nhung nhớ, nay đã có anh về, chung mộng một tình yêu...

Cảm ơn cố nhạc sĩ Duy Khánh với bài tình ca bất hủ. Cảm ơn ca sĩ Đặng Thế Luân đã chuyên chở nhạc phẩm với giọng hát thật "tình", tiếng ca của anh đem đến cho tôi một cảm xúc ngọt ngào, trong giấc mộng lành của một chiều xuân.
    (Tiểu Lan Thảo)




10 thg 5, 2015

VÀI NÉT VỀ ĐÀN TỲ BÀ

Đàn Tỳ bà hay Tỳ bà là tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Tỳ bà đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi Biwa. Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn 琵琶, đã từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc. Mặc dù đàn Tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam.
Đàn Tranh và Đàn Tỳ bà cùng du nhập từ Trung Quốc sang nước Việt từ rất sớm. Bằng chứng là hình chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Phật Tích, Bắc Ninh, có chạm hình Tỳ bà giữa hai nhạc công dùng ống sênh, và ống tiêu thổi dọc. Trong khi Đàn Tranh có vóc dáng mà không thấy những con nhạn căng dây, đứng giữa hai nhạc công thổi ống sênh và ống sáo ngang.
Người ta chế tác Tỳ bà bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon.
Màu âm đàn tỳ bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng và trữ tình. Màu âm hơi giống Ðàn Nguyệt nhưng có phần hơi đanh và khô hơn, nhất là ở những khoảng âm cao.
Kỹ thuật diễn tấu của Ðàn tỳ bà có nhiều ngón giống như đàn nguyệt: ngồi thấp, xếp chân trên chiếu. Ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng. Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động.  Kỹ thuật tay trái của Ðàn Tỳ Bà có các ngón nhấn, ngón vuốt, ngón mổ, bấm hợp âm, đặc biệt Ðàn Tỳ Bà có lối đánh song thanh: 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.
Ở Việt Nam đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc cung đình Huế, Lễ nhạc Phật giáo, Lễ nhạc Cao Đài, nhạc tài tử, phường bát âm, cải lương và dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc. Ngày nay số người biết sử dụng Tỳ bà theo phong cách truyền thống Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
"Ngân nga cung điệu tỳ bà, 
Du dương tiếng sáo, đậm đà hương duyên.
Ngày xưa Từ Thức lên tiên,
Riêng ta chỉ có đường tơ giao hòa.
Ru ai bên dãy ngân hà,
Có tình Ngưu Chức muôn đời sắt son. 
Ru người ngàn dặm nước non, 
Có nàng Tô Thị bồng con trông chồng.
Thương ai phận bạc má hồng,
Kim Lang chàng hỡi, thấu lòng Kiều nương,...
Sáo buồn trỗi khúc bi thương 
Đàn sầu ngâm khúc đoạn trường tương tư .."
(Tiểu Lan Thảo)

9 thg 5, 2015

ÁO DÀI QUÊ HƯƠNG

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục cá biệt, khi nhìn cách phục sức của họ, chúng ta nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải mà quí bà quí cô thường gọi là áo "sườn xám", .... Người Việt Nam hãnh diện về chiếc áo dài, được trang trọng nâng lên ngôi vị Quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn: "chiếc áo dài quê hương"


Áo dài được thay đổi nhiều nhất trong thập kỷ 60, áo dài bắt đầu được may chít eo, eo áo cắt cao lên. Gấu áo lúc này cắt thẳng ngang và may dài gần đến mắt cá chân. Nhiều người sau đó còn may áo dài với cổ khoét tròn.


Thời phong kiến, trang phục của phụ nữ là: váy đen, yếm trắng, áo tứ thân, đầu chít khăn mỏ quạ, thắt lưng hoa lý. Bộ lễ phục gồm ba chiếc áo, ngoài cùng là áo dài tứ thân bằng the thâm hay màu nâu non, kế đến là chiếc áo màu mỡ gà và trong cùng là chiếc áo màu cánh sen. Khi mặc, cả ba chiếc áo chỉ cài khuy bên sườn, phần từ ngực đến cổ lật chéo để lộ ba màu áo. Bên trong là chiếc yếm thắm. Ðầu đội nón trông rất duyên dáng và kín đáo. Áo Dài - trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, ôm sát cơ thể, có cổ cao và dài khoảng ngang gối. Nó được xẻ ra ở hông, vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ đường nét của một người thiếu nữ. "Ở đâu có phụ nữ Việt - ở đó có Áo dài Việt". Không đơn thuần là trang phục truyền thống, mà Áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Nói cách khác, đó chính là "quốc hồn" của phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo ôm lấy người, bó sát như dính bết vào người. Mọi đường cong, nét uốn, cả cái vẻ rừng rực của cơ thể đều phơi ra hết. Phơi ra mà vẫn kín đáo. Kín mà lại hở phô trương khoe vẻ đẹp hấp dẫn. Nét mềm mại của các cô gái...

Đến gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể. Cổ áo thấp xuống còn 3cm. Tay áo cũng được may rộng ra. Đặc biệt trong khoảng thời gian này, vai áo dài bắt đầu được cắt lối raglan để ngực và tay áo ôm hơn, nhăn ít, mà lại đỡ tốn vải. Tay áo được nối với thân từ chéo vai. Quần may rất dài với gấu rộng đến 60cm và nhiều khi được lót hai ba lớp. Đến những năm 90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè Quốc Tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Trang phục cũng được thay đổi theo quá trình phát triển của lịch sử. Hai nét nổi bật trong trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam là áo dài và nón lá.  Vẻ đẹp của người phụ nữ vừa hiền dịu nét đẹp tinh khôi thướt tha của chiếc áo dài mang đậm bản sắc của dân tộc, nét đẹp được tôn vinh trên những trang phục áo dài trong các hội thi... Các cụ có câu: "Người đẹp vì lụa". Đúng vậy cũng không nên vì vẻ đẹp của lụa mà để quần áo che khuất con người, biến con người thành những cái mắc áo, hay những cây cọc di động, chỉ để nhằm đeo vắt những bộ cánh diêm dúa và phù phiếm...sẽ làm mất đi vẻ đẹp tao nhã và hiền dịu nết na. Áo dài hiện đại được thiết kế thon gọn và ôm sát người hơn. Nó bao hai tà trước và sau kéo dài từ cổ xuống đến mắt cá chân và trùm lên chiếc quần ống rộng có gấu chạm đất. Để có một chiếc Áo dài thật đẹp, vừa vặn, người may cần nắm rõ số đo cơ thể của từng người. Áo dài phải được may thủ công từng cái một ở cửa hàng. Chất liệu may Áo dài cũng phong phú và đa dạng, được kết hợp từ những tấm vải mẫu và thường trang trí bằng những đường nét thủ công hoặc thêu hoa văn.

Trang phục của người Việt ta rất đẹp. Có lẽ hoàn hảo nhất chính là chiếc áo dài phụ nữ. Hình như chính cơ thể chị em đã tôn chiếc áo lên. Và rồi chính chiếc áo cũng tôn vẻ đẹp của chị em. Đó là sự cộng hưởng và kết hợp hài hòa mà tạo hóa đã ban tặng cho phụ nữ: nét đẹp thuần khiết trong trang phục áo dài.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng, em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời,
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt cả ngày,
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.


Ở Việt Nam, Áo dài là trang phục dành cho mọi lứa tuổi. Nó đã trở thành trang phục chuẩn mực cho những dịp đặc biệt hoặc trang trọng những ngày lễ quốc gia, lễ cưới, ngày tết, lễ tốt nghiệp hoặc trong những cuộc thi quan trọng. Khi tham dự một sự kiện đặc biệt nào đó hoặc xuất hiện trên truyền hình, Áo dài luôn là trang phục được phụ nữ Việt Nam ưu tiên lựa chọn vì nó góp phần tôn lên vẻ đẹp của họ. Có thể nói rằng Áo dài đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra khắp nơi trên thế giới.

ĐÀN TRANH & NÉT ĐẸP TÂM HỒN

“Nét đẹp trong tiếng đàn tranh” là nguồn huyền nhiệm khơi gợi những ai có cái tâm muốn khám phá ý vị sâu sắc trong năm cung nhạc.
Trước đây chúng ta hay gọi cây đàn tranh là thập lục huyền cầm bởi vì nó có mười sáu dây, nhưng giờ đây chúng ta gọi chung là đàn tranh vì ngày nay đàn đã được cải tiến thêm nhiều dây nữa. Theo như cách ví von của người xưa, mặt đàn tượng trưng cho vòm trời, đáy đàn tượng trưng cho mặt đất, trời đất giao nhau, gặp gỡ giữa năm cung:
"Tay em như ướp bằng thơ
Hóa thân thành bướm vờn hoa sóng dài

Mặt đàn như nước sông đầy
Cho cầu nổi sóng, cho bầy nhạn sa…”

Câu chuyện về cây đàn tranh là sự khám phá lôi cuốn đầy màu sắc của các kỹ thuật diễn tấu, mà từ đó đưa ta vào giữa mênh mông tâm trạng của người đàn và người thưởng thức…
Một tiếng rung có thể làm nát ngọc tan hồn:
“Nhạn trời mười sáu cánh chợt vút cao
Tóc tơ bay giữa đất trời lồng lộng

Em liêu trai và em thành cuộc mộng
Dấu rung ngân ba động khắp cõi người…”

Một dấu nhấn làm cả thành sầu rơi rụng:
“Thành sầu ai khóc mà thương?
Ai đau mà nhớ, ai buồn mà vương?

Ai làm mưa lệ rơi tuôn?
Nhấn vào thăm thẳm đêm trường nghìn sau…”

Một ngón vuốt day dứt đến nặng lòng:
“Năm cung dấu mộng tình xưa
Vuốt lên thương nhớ cho vừa nhớ thương

Tơ lòng trĩu nặng bên đường
Nghiêng nghiêng sợi tóc khôn lường đắm say…”

Và bàn tay mổ xuống dây đàn như tiếng kêu tìm nhau của đôi chim loan, chim phượng:
“Mổ vào vô tận kiếp này
Tìm nhau loan phượng tan bầy tội sao

Tiếng kêu máu đổ lệ trào
Nhớ nhau còn đó quặn bào xót xa…”

Bàn tay phải là phần xác, nhưng bàn tay trái lại thổi hồn cho nhạc. Xác lạnh, hồn tươi. Đôi bàn tay hòa điệu như sự hòa hợp của ý-lời, như nơi giao hội của âm -dương. Người đàn trải lòng trên từng phím tơ, người nghe đón nhận tâm tình trong từng tiếng nhạc, và biết đâu lúc nào đó ta sẽ tìm thấy một tri âm?
Người học đàn, đánh đàn trước nhất cần phải cảm được cái ý nhạc. Bất cứ tác phẩm nào cũng vậy, cũng đều có ý nghĩa riêng của chúng và được biểu đạt bằng âm thanh. Qua đó, ta có thể ít nhiều hiểu được nét nhạc, nội dung của bài nhạc, rồi biết cảm nhận mà nâng niu, tu chỉnh tiếng đàn cho hay hơn, thể hiện được cảm xúc trong khi tập luyện cũng như khi biểu diễn một cách tự nhiên hơn.
Nghệ sĩ đàn tranh cũng như nghệ nhân vẽ một bức tranh vậy. Từ nhát cọ đầu tiên, hay tiếng đàn đầu tiên, mỗi nét bút hay mỗi âm thanh đều mang một hàm ý diễn tả cái gì đó. Có khi là tuyết rơi, hoa nở, trăng lên, có lúc lại nghe như kiếm cung sát phạt, giọt sầu nỉ non… Một động tác vỗ trên dây mà hình dung ra cả một thế cước quyền trong võ học, một động tác kéo đàn mà tưởng như nước chảy mây trôi… Nhạc phát ra là ý mênh mang. Người biểu diễn luôn đặt hết cả tâm ý tương thông vào trong nhạc phẩm. Thể hiện cái cảm của riêng mình cũng giống như con thuyền trên mặt nước vậy. Triều lên, thuyền cũng lên theo. Triều xuống, thuyền cũng theo xuống. Hết sức tự nhiên! Bởi thế khi học đàn tranh người ta học luôn cái cách diễn tả nội tâm. Người đàn vui thì điệu nhạc rộn ràng, người đàn buồn thì điệu nhạc như thở dài chua xót…”
“Thoạt tiên gieo một chuỗi cười
Ngón mềm nhún nhảy trên mười sáu dây

Bàn tay thoăn thoắt trên dây
Như đôi bướm trắng lượn bay trên cành.
Mười sáu dây tình lên tiếng khóc,
Dập dìu ánh nhạc tóc tơ bay
Cung đàn bạc mệnh nào đây?
Nỉ non khóe mắt, hao gầy dáng thơ
Ngón tay ướp lệ bao giờ
Nghìn thu nhung nhớ vật vờ tìm nhau
Bờ môi chín ủ trái sầu
Hắt hiu lời gió cho đau nắng vàng
Tay em nhẹ níu cung đàn
Đưa anh về với biển ngàn xót thương…"

Ngày nay khi người ta đùa cợt nhau để tìm chút niềm vui chóng tàn thì người ta lại không biết “dối” lòng qua tiếng đàn đầy yêu thương. Nếu không thật với cảm xúc, ai lại có thể cảm động và cũng thấy day dứt khi nghe qua tâm tình của một người tri kỷ? Ai lại có thể vui thích vỗ tay hát theo những bài dân ca trữ tình đậm đà? Ai lại ngẫm nghĩ cả về tấc lòng của khách tri âm khi mình còn loanh quanh đi tìm trong thương nhớ?...Tất cả hội về với sợi dây đàn tranh tình cảm rất thật, rất tự nhiên. Tự nhiên như bản thân vốn sẵn là vậy.
 Câu chuyện của cây đàn tranh vẫn chưa khép, bởi tự trong lòng mỗi chúng ta, tiếng đàn sẽ còn mãi vang vọng cùng nỗi tự tình của nó.

CÁCH CHỌN ĐẦM DẠ HỘI

Đầm dạ hội hay đầm dự tiệc là những chiếc đầm được thiết kế cầu kỳ, thường được làm từ những chất liệu cao cấp, với phần thân dưới dài, có thể có đính hạt đá và các chi tiết trang trí khác, dùng để mặc trong những buổi tiệc tối. 

Việc sở hữu được chiếc đầm dạ hội như ý sẽ nhanh chóng được thực hiện nếu như bạn biết rõ về vóc dáng và mong muốn của bản thân mình. Nếu bạn chọn một mẫu đầm rất đẹp nhưng không hề phù hợp với dáng người bạn thì kết quả sẽ ngược lại với mong muốn của bạn về chiếc đầm đó. Sau đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn chọn lựa được chiếc đầm dạ hội, đầm dự tiệc ưng ý nhất để bạn có thể tự tin diện chúng trong những dịp quan trọng. 

1. Chọn đầm cho các nàng có chiều cao khiêm tốn 
Nhiều bạn nghĩ rằng với chiều cao khiêm tốn như mình làm sao có thể diện được một chiếc đầm dạ hội dài như thế. Nhưng thực tế lại ngược với suy nghĩ trong đầu của bạn vì một chiếc đầm dạ hội đẹp với chiều dài như thế sẽ rất dài so với bạn, khi bạn mang vào cho mình một đôi giày cao gót, độ dài của đầm có thể che đi được phần giày của chúng ta vì vậy nhìn mình sẽ thật cao. 

2. Chọn đầm dành cho người có vòng một quá cỡ 
Những phụ nữ có vòng 1 đầy đặn nên chọn những chiếc đầm có điểm nhấn ở phần eo và hông. Một chiếc đầm cocktail là sự lựa chọn lý tưởng nhất đối với những bạn gái sở hữu dáng người này. Ngoài ra, bạn nên lựa chọn những chiếc đầm có họa tiết đồng nhất để làm giảm bớt sự chú vào vòng 1 của bạn. 

3. Chọn đầm cho dáng người mũm mĩm 
Nếu có số đo hơi “đồ sộ”, bạn nên chọn những chiếc đầm tông màu tối, trông bạn sẽ gọn gàng hơn. Tuy nhiên, việc lựa chọn vải cũng là điều đáng lưu ý với những ai sở hữu dáng người này, chất liệu bóng, sẽ làm bạn trở nên đồ sộ, vuông vắn hơn, thay vào đó hãy lựa chọn cho mình những chất liệu mềm, rủ như chiffon, voan,..

4. Chọn đầm cho dáng người hình chữ nhật 
Với thân hình cao gầy, bạn nên chọn những thiết kế có phần bồng lên ở phần hông hoặc những chiếc đầm có sự cách điệu ở phần eo cũng làm bạn khắc phục được “thân hình thước kẻ” của mình. Bạn cũng có thể lựa chọn những kiểu đầm trần vai với thiết kế có phần may nhúm ở ngực, kết hợp với vòng cổ ngắn để cải thiện cho vòng 1 khá khiêm tốn của mình. 

5. Chọn đầm cho dáng người hình đồng hồ cát 
Ưu điểm của dáng người này là sở hữu vòng eo nhỏ nhắn. Một chiếc đầm lệch vai, có thắt lưng hay những họa tiết gây chú ý vào phần eo với chất liệu mềm rủ sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn. Điều tuyệt vời nhất khi bạn sở hữu form dáng này là bạn có thể lựa chọn những chất liệu ôm sát để tôn lên đường cong của cơ thể. 

6. Chọn đầm cho dáng người quả lê 
Đặc điểm của dáng người này là: Phần hông to trong khi phần nửa thân trên lại có phần nhỏ hơn. Còn gì hoàn hảo hơn với mẫu thiết kế cổ chữ V rộng và sâu theo chiều dọc của cơ thể, đầm hai dây, hay những thiết kế với phần cách điệu trang trí ở phần cổ, ngực. Chất liệu ghi điểm dành cho những thiết kế với dáng người này là chất liệu mềm, rủ. Nên tránh những chất liệu bó sát vì nó sẽ khiến hông bạn trông to hơn. 

7. Chọn đầm cho dáng người tam giác ngược 
Vai ngang, rộng hơn rất nhiều so với phần hông và eo là đặc điểm của dáng người này. Với chiếc đầm hở vai, phần cổ không quá sâu rộng, sẽ giúp bạn giảm bớt sự chú ý đến phần trên của cơ thể. 

Bên trên chỉ là một số gợi ý giúp bạn hiểu rõ hơn về vóc dáng cũng như cách chọn đầm cho từng dáng. 

Vẻ đẹp đến từ sự phù hợp, nếu bạn hiểu rõ được form dáng cơ thể mình, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình những mẫu đầm dạ hội, đầm dự tiệc ưng ý. Chúc bạn thành công với sự lựa chọn của mình nhé.

SONG: CỎ ÚA, SINGER: ĐẶNG THẾ LUÂN

Một trong những sáng tác của Lam Phương mà mình rất yêu thích: "Cỏ Úa"
"Còn nhớ tên nhau, xin gọi trong giấc mộng
Còn chút thương yêu, xin đưa vào dư âm..."



1 thg 5, 2015

MẶC ĐẸP - PHONG CÁCH SỐNG HIỆN ĐẠI

Mười điều các bạn cần quan tâm để làm đẹp cho mình mỗi ngày.

1. Chuẩn bị hoặc lên ý tưởng về trang phục của ngày hôm sau vào đêm trước.

2. Dành cho mình nhiều thời gian để mặc đồ. Đôi khi chỉ vài phút thay vì hốt hoảng lao ra đường cũng khiến bạn thêm được một món phụ kiện tốt để kết hợp với trang phục đang mặc.
3. Chọn đúng nội y. Những người phụ nữ phong cách luôn biết rằng, để mặc đẹp thì trước hết nội y phải đẹp và phù hợp.
4. Theo dõi những cô gái mặc đẹp, những tín đồ thời trang ưa thích trên mạng xã hội, không phải để bắt chước, mà là để tìm nguồn cảm hứng. Gợi ý cho bạn, InstagramPinterest là hai nơi lý tưởng để tìm thấy những ý tưởng mới.
5. Mặc theo thời tiết. Kiểm tra dự báo thời tiết trước khi chọn đồ để tránh đưa mình vào cảnh mặc quần ống rộng phất phơ mang giày nhưng đi giữa vũng nước mưa những ngày hè.
6. Mặc theo sự kiện. Với những buổi tiệc có dress code (yêu cầu về trang phục), người mặc đẹp trước hết phải là người đáp ứng được quy luật của cuộc chơi. Bạn không thể là người phụ nữ phong cách khi mặc áo vàng đến buổi tiệc có dress code màu đen. Để mặc đẹp, cần xem xét về nơi mình đến và những người mình sẽ gặp.
7. Chỉ mặc đồ vừa với mình, không mặc đồ chật.
8. Không bao giờ nằm thư giãn khi đang mặc vest hoặc vải silk, vì sẽ làm chúng trở nên nhàu nhĩ.  Những cô gái mặc đẹp chắc chắn là những người luôn xếp và treo đồ cẩn thận, gọn gàng.
9. Phân loại quần áo giặt nước và giặt khô. Không đưa tất cả vào máy.
10. Chân thành với bản thân.

Các bạn cần nhớ rằng: Người mặc đẹp không phải là người bị cuốn theo mũi tên của xu hướng. Họ luôn giữ lại những món đồ kinh điển phù hợp với mình, cho dù ngoài kia thế giới có đảo điên thế nào.
 

HAGI'S DREAMLAND Template by Ipietoon Cute Blog Design and Bukit Gambang