10 thg 5, 2015

VÀI NÉT VỀ ĐÀN TỲ BÀ

Đàn Tỳ bà hay Tỳ bà là tên gọi một nhạc cụ dây gẩy của người Việt. Tỳ bà đã xuất hiện rất sớm ở Trung Quốc với tên gọi PiPa, rồi ở Nhật Bản với tên gọi Biwa. Tỳ bà lần đầu tiên được nêu danh trong lịch sử Việt Nam, khi Lê Tắc ghi trong An Nam chí lược tên dàn tiểu nhạc dùng ngoài cung đình nhà Trần. Đàn tỳ bà của Việt Nam là dạng rất cổ xưa của đàn 琵琶, đã từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa vào Trung Quốc. Mặc dù đàn Tỳ bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam.
Đàn Tranh và Đàn Tỳ bà cùng du nhập từ Trung Quốc sang nước Việt từ rất sớm. Bằng chứng là hình chạm các nhạc công trên tảng đá vuông dùng làm chân cột chùa Phật Tích, Bắc Ninh, có chạm hình Tỳ bà giữa hai nhạc công dùng ống sênh, và ống tiêu thổi dọc. Trong khi Đàn Tranh có vóc dáng mà không thấy những con nhạn căng dây, đứng giữa hai nhạc công thổi ống sênh và ống sáo ngang.
Người ta chế tác Tỳ bà bằng gỗ ngô đồng. Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả lê bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi. Nơi đầu đàn gắn bốn trục gỗ để lên dây.
Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon.
Màu âm đàn tỳ bà trong sáng, vui tươi, thể hiện tính chất tươi sáng và trữ tình. Màu âm hơi giống Ðàn Nguyệt nhưng có phần hơi đanh và khô hơn, nhất là ở những khoảng âm cao.
Kỹ thuật diễn tấu của Ðàn tỳ bà có nhiều ngón giống như đàn nguyệt: ngồi thấp, xếp chân trên chiếu. Ngồi thẳng trên ghế, đàn được đặt gần như thẳng đứng. Tay phải gảy đàn, cách sử dụng móng tay để đàn có nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng sinh động.  Kỹ thuật tay trái của Ðàn Tỳ Bà có các ngón nhấn, ngón vuốt, ngón mổ, bấm hợp âm, đặc biệt Ðàn Tỳ Bà có lối đánh song thanh: 2 đồng âm ở hai dây khác nhau.
Ở Việt Nam đàn Tỳ Bà có mặt trong các dàn nhạc: Nhã nhạc cung đình Huế, Lễ nhạc Phật giáo, Lễ nhạc Cao Đài, nhạc tài tử, phường bát âm, cải lương và dàn nhạc dân tộc tổng hợp.
Mặc dù đàn Tỳ Bà có xuất xứ từ các nước khác, nhưng qua thời gian dài sử dụng nó đã được bản địa hóa và trở thành cây đàn của Việt Nam, thể hiện sâu sắc, đậm đà những bản nhạc mang phong cách của dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực khí nhạc. Ngày nay số người biết sử dụng Tỳ bà theo phong cách truyền thống Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
"Ngân nga cung điệu tỳ bà, 
Du dương tiếng sáo, đậm đà hương duyên.
Ngày xưa Từ Thức lên tiên,
Riêng ta chỉ có đường tơ giao hòa.
Ru ai bên dãy ngân hà,
Có tình Ngưu Chức muôn đời sắt son. 
Ru người ngàn dặm nước non, 
Có nàng Tô Thị bồng con trông chồng.
Thương ai phận bạc má hồng,
Kim Lang chàng hỡi, thấu lòng Kiều nương,...
Sáo buồn trỗi khúc bi thương 
Đàn sầu ngâm khúc đoạn trường tương tư .."
(Tiểu Lan Thảo)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

HAGI'S DREAMLAND Template by Ipietoon Cute Blog Design and Bukit Gambang