9 thg 5, 2015

ĐÀN TRANH & NÉT ĐẸP TÂM HỒN

“Nét đẹp trong tiếng đàn tranh” là nguồn huyền nhiệm khơi gợi những ai có cái tâm muốn khám phá ý vị sâu sắc trong năm cung nhạc.
Trước đây chúng ta hay gọi cây đàn tranh là thập lục huyền cầm bởi vì nó có mười sáu dây, nhưng giờ đây chúng ta gọi chung là đàn tranh vì ngày nay đàn đã được cải tiến thêm nhiều dây nữa. Theo như cách ví von của người xưa, mặt đàn tượng trưng cho vòm trời, đáy đàn tượng trưng cho mặt đất, trời đất giao nhau, gặp gỡ giữa năm cung:
"Tay em như ướp bằng thơ
Hóa thân thành bướm vờn hoa sóng dài

Mặt đàn như nước sông đầy
Cho cầu nổi sóng, cho bầy nhạn sa…”

Câu chuyện về cây đàn tranh là sự khám phá lôi cuốn đầy màu sắc của các kỹ thuật diễn tấu, mà từ đó đưa ta vào giữa mênh mông tâm trạng của người đàn và người thưởng thức…
Một tiếng rung có thể làm nát ngọc tan hồn:
“Nhạn trời mười sáu cánh chợt vút cao
Tóc tơ bay giữa đất trời lồng lộng

Em liêu trai và em thành cuộc mộng
Dấu rung ngân ba động khắp cõi người…”

Một dấu nhấn làm cả thành sầu rơi rụng:
“Thành sầu ai khóc mà thương?
Ai đau mà nhớ, ai buồn mà vương?

Ai làm mưa lệ rơi tuôn?
Nhấn vào thăm thẳm đêm trường nghìn sau…”

Một ngón vuốt day dứt đến nặng lòng:
“Năm cung dấu mộng tình xưa
Vuốt lên thương nhớ cho vừa nhớ thương

Tơ lòng trĩu nặng bên đường
Nghiêng nghiêng sợi tóc khôn lường đắm say…”

Và bàn tay mổ xuống dây đàn như tiếng kêu tìm nhau của đôi chim loan, chim phượng:
“Mổ vào vô tận kiếp này
Tìm nhau loan phượng tan bầy tội sao

Tiếng kêu máu đổ lệ trào
Nhớ nhau còn đó quặn bào xót xa…”

Bàn tay phải là phần xác, nhưng bàn tay trái lại thổi hồn cho nhạc. Xác lạnh, hồn tươi. Đôi bàn tay hòa điệu như sự hòa hợp của ý-lời, như nơi giao hội của âm -dương. Người đàn trải lòng trên từng phím tơ, người nghe đón nhận tâm tình trong từng tiếng nhạc, và biết đâu lúc nào đó ta sẽ tìm thấy một tri âm?
Người học đàn, đánh đàn trước nhất cần phải cảm được cái ý nhạc. Bất cứ tác phẩm nào cũng vậy, cũng đều có ý nghĩa riêng của chúng và được biểu đạt bằng âm thanh. Qua đó, ta có thể ít nhiều hiểu được nét nhạc, nội dung của bài nhạc, rồi biết cảm nhận mà nâng niu, tu chỉnh tiếng đàn cho hay hơn, thể hiện được cảm xúc trong khi tập luyện cũng như khi biểu diễn một cách tự nhiên hơn.
Nghệ sĩ đàn tranh cũng như nghệ nhân vẽ một bức tranh vậy. Từ nhát cọ đầu tiên, hay tiếng đàn đầu tiên, mỗi nét bút hay mỗi âm thanh đều mang một hàm ý diễn tả cái gì đó. Có khi là tuyết rơi, hoa nở, trăng lên, có lúc lại nghe như kiếm cung sát phạt, giọt sầu nỉ non… Một động tác vỗ trên dây mà hình dung ra cả một thế cước quyền trong võ học, một động tác kéo đàn mà tưởng như nước chảy mây trôi… Nhạc phát ra là ý mênh mang. Người biểu diễn luôn đặt hết cả tâm ý tương thông vào trong nhạc phẩm. Thể hiện cái cảm của riêng mình cũng giống như con thuyền trên mặt nước vậy. Triều lên, thuyền cũng lên theo. Triều xuống, thuyền cũng theo xuống. Hết sức tự nhiên! Bởi thế khi học đàn tranh người ta học luôn cái cách diễn tả nội tâm. Người đàn vui thì điệu nhạc rộn ràng, người đàn buồn thì điệu nhạc như thở dài chua xót…”
“Thoạt tiên gieo một chuỗi cười
Ngón mềm nhún nhảy trên mười sáu dây

Bàn tay thoăn thoắt trên dây
Như đôi bướm trắng lượn bay trên cành.
Mười sáu dây tình lên tiếng khóc,
Dập dìu ánh nhạc tóc tơ bay
Cung đàn bạc mệnh nào đây?
Nỉ non khóe mắt, hao gầy dáng thơ
Ngón tay ướp lệ bao giờ
Nghìn thu nhung nhớ vật vờ tìm nhau
Bờ môi chín ủ trái sầu
Hắt hiu lời gió cho đau nắng vàng
Tay em nhẹ níu cung đàn
Đưa anh về với biển ngàn xót thương…"

Ngày nay khi người ta đùa cợt nhau để tìm chút niềm vui chóng tàn thì người ta lại không biết “dối” lòng qua tiếng đàn đầy yêu thương. Nếu không thật với cảm xúc, ai lại có thể cảm động và cũng thấy day dứt khi nghe qua tâm tình của một người tri kỷ? Ai lại có thể vui thích vỗ tay hát theo những bài dân ca trữ tình đậm đà? Ai lại ngẫm nghĩ cả về tấc lòng của khách tri âm khi mình còn loanh quanh đi tìm trong thương nhớ?...Tất cả hội về với sợi dây đàn tranh tình cảm rất thật, rất tự nhiên. Tự nhiên như bản thân vốn sẵn là vậy.
 Câu chuyện của cây đàn tranh vẫn chưa khép, bởi tự trong lòng mỗi chúng ta, tiếng đàn sẽ còn mãi vang vọng cùng nỗi tự tình của nó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

HAGI'S DREAMLAND Template by Ipietoon Cute Blog Design and Bukit Gambang